Trực tuyến: Giáo dục nghề nghiệp - Những bước chuyển mạnh mẽ thu hút giới trẻ
Những thay đổi của cấu trúc nghề nghiệp và việc làm đang là nguy cơ nhưng cũng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nắm bắt để kiến tạo tương lai.
Thách thức tạo ra cơ hội
Sự thay đổi của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, đang tác động mạnh mẽ đến quá trình sản xuất, kinh doanh. Kéo theo đó, cấu trúc nghề và việc làm cũng có sự thay đổi.
Theo nghiên cứu của Oxford Economics, công nghệ và robot có thể loại bỏ đến 20 triệu công việc sản xuất trên khắp thế giới vào năm 2030. Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực, tạo ra nhiều việc làm mới.
Những ngành nghề được coi là “trọng tâm” của cuộc cách mạng này là kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Trong khi đó, những công việc càng lặp lại, nguy cơ bị “xóa sổ” càng lớn. Các chuyên gia đều cho rằng, khi cấu trúc ngành nghề thay đổi, nếu không kịp thích ứng, người lao động sẽ rất dễ bị đào thải.
Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam đã thích ứng đến đâu trước những thay đổi này?
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết, giáo dục nghề nghiệp cần phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động. Nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở đào tạo theo cái mình có thay vì gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, sự tham gia từ phía doanh nghiệp – “đầu ra” của hệ thống đào tạo – vẫn cần sự song hành mạnh mẽ hơn nữa. Vẫn còn tình trạng chấp nhận phương án tuyển về đào tạo thêm với lý do “tiết kiệm chi phí” để rồi chỉ sau khoảng 3-5 năm, người lao động lại bị sa thải do “không thích ứng được sự thay đổi nhanh chóng trong ngành sản xuất”.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, các doanh nghiệp cần phải bắt tay phối hợp trực tiếp cùng nhà trường từ khâu thiết kế giáo trình, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đi thực tập và trả lương, đặt hàng đầu ra. Bởi “doanh nghiệp cần phải nhìn nhận một cách đầy đủ việc đứng ra đào tạo chính là cơ hội đối với mình và việc bỏ vốn ban đầu là để đầu tư cho lâu dài”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại chỉ ra rằng, tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” này là do hàng năm, việc hỗ trợ đầu tư cho các trường nghề còn dàn trải, chưa tập trung đi sâu vào thế mạnh của từng trường dẫn tới “cung” chưa đáp ứng được “cầu”.
Những định kiến cần xoá bỏ
Thiếu định hướng nghề nghiệp cũng là lý do dẫn tới tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực. Hiện nay, nhiều học sinh chọn nghề chỉ căn cứ vào sự hấp dẫn thời thượng thay vì căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động dẫn tới lãng phí cơ hội, thậm chí cả những quyết định sai lầm về nghề nghiệp, cuộc đời tương lai.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng những người làm trong lĩnh vực cơ khí, hàn, điện có tay nghề cao. Tuy nhiên, lực lượng lao động tìm đến lại thường thiên về hành chính, văn phòng, kế toán hoặc ngành nghề không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này cũng dẫn đến cầu vẫn thiếu mà cung vẫn thừa.
Cũng vì định kiến “học nghề”, nhiều học sinh khi không đủ điểm đỗ vào đại học đã chọn cách thi lại để "học đại", hoặc tham gia trực tiếp vào thị trường lao động thay vì đào tạo thêm.
Theo ông Mai Hồng Quý, Trưởng phòng nhân sự công ty dệt may QT, đây là những định kiến sai lầm gây cản trở cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường.
“Hàng năm, công ty chúng tôi chủ yếu tuyển dụng nhân sự từ các trường nghề. Qua thực tế tuyển dụng chúng tôi nhận thấy, nhiều sinh viên đại học khi trực tiếp giải quyết công việc lại không thực sự đem lại hiệu quả. Trong khi chính những sinh viên học trường nghề lại đáp ứng yêu cầu, kỹ năng mà các doanh nghiệp tuyển dụng đưa ra”.
Mặc dù nhìn nhận thời gian học nghề ngắn, học đi đôi với thực hành, ra trường có việc làm ngay và mức lương ổn định, tuy nhiên, Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc nhìn nhận, nhiều phụ huynh và thí sinh hiện nay vẫn muốn lựa chọn con đường đại học. Do đó, để thu hút học sinh, nhà trường đã phải cam kết không để sinh viên thất nghiệp, sẽ đào tạo những gì mà doanh nghiệp, xã hội cần, từ đó giúp sinh viên yên tâm được học nghề trong môi trường tốt. Trong khi thị trường còn thiếu lao động có kỹ năng, tay nghề cao, các chuyên gia cho rằng, thay vì “phải vào đại học bằng mọi giá” với thời gian đào tạo dài, mức học phí cao, lại phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao không kém, thì học nghề là một lựa chọn có thể đem lại cho người học nhiều cơ hội.
Thay đổi tạo nhiều thuận lợi cho người học
Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, năm 2018, tỉ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 85%. Những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay ở mức cao như Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, Trường CĐ nghề số 1,... tỷ lệ có việc làm đạt 100%.
Những năm gần đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, chấp nhận thay đổi để thích ứng nhu cầu xã hội từ chính sách vĩ mô như: Tăng cường gắn kết nhà trường với doanh nghiệp; tạo hệ thống mở nhiều cơ hội cho thí sinh học nghề; hướng giáo dục nghề nghiệp tới hội nhập và thị trường quốc tế.
Mời tham gia toạ đàm, giao lưu trực tuyến: Giáo dục nghề nghiệp - Những bước chuyển mạnh mẽ thu hút giới trẻ
Vào lúc 14h chiều ngày 7/5, báo VietNamNet phối hợp với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) ....
Ông Vũ Văn Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động.
Ông Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.
Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông.
Anh Trương Thế Diệu, công ty Denso, Huy chương Bạc Hội thi tay nghề thế giới năm 2019; Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019.
Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi đến các khách mời theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn
Theo Thuý Nga - Thanh Hùng (vietnamnet)
Post a Comment