5 lỗi sai thí sinh thường gặp khi làm bài môn Ngữ văn
Hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy, nắm chắc các dạng bài trong đề thi, tránh mắc các lỗi thường gặp là 3 điều sĩ tử cần lưu ý trong ôn thi môn Ngữ văn.
Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Hữu Cường, giáo viên môn Ngữ Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho học sinh đang luyện ôn trong giai đoạn này.
Hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy
Thầy Phạm Hữu Cường lưu ý, trong 2 tháng cuối, học sinh cần tập trung hệ thống toàn bộ kiến thức qua sơ đồ tư duy. Đây cũng là bước đầu tiên giúp học sinh kiểm tra lại kiến thức đã học, nắm được kiến thức trọng tâm, cốt lõi.
Khi luyện đề môn Ngữ văn, các em nên thực hiện dưới cả 2 hình thức: lập dàn ý chi tiết và viết thành bài hoàn chỉnh, luyện càng nhiều đề càng tốt.
Đây là hình thức củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng, phương pháp làm bài tốt nhất.
Nếu viết thành bài hoàn chỉnh, ngoài các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, phương pháp; các em cần chú ý đảm bảo phân bổ thời gian hợp lí: Đọc hiểu khoảng 20 phút, Nghị luận xã hội khoảng 20 phút, Nghị luận văn học khoảng 80 phút.
Cũng theo thầy Cường, việc ôn luyện theo từng trọng điểm, học văn theo từng ý, sử dụng các từ khóa một cách ngắn gọn, đơn giản sẽ giúp học sinh nhanh hiểu bài nhất, tránh học thuộc lòng và học vẹt.
Khi ôn thi môn Ngữ văn, học sinh nên liên hệ giữa kiến thức trong sách giáo khoa với thực tế đời sống, kiến thức sẽ trở nên sinh động, gần gũi và hấp dẫn hơn.
Hệ thống ý của mỗi bài, mỗi vấn đề càng rành mạch, sắp xếp càng hệ thống và nổi bật thì càng dễ nhớ.
Các em nên ôn tập tất cả các văn bản tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 (lưu ý trừ các nội dung đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tinh giản), đặc biệt chú trọng các bài Đất Nước, Việt Bắc, Sóng, Người lái đò sông Đà, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa.
Nắm chắc các dạng bài trong đề thi
Theo thầy Phạm Hữu Cường, để đạt điểm cao trong môn thi Ngữ văn, học sinh cần nắm chắc các dạng bài phần Đọc hiểu, phần Nghị luận xã hội, phần Nghị luận văn học, cụ thể:
Ở phần Đọc hiểu văn bản thường gặp các dạng như văn bản nghị luận hoặc thơ, các văn bản này thường nằm ngoài chương trình sách giáo khoa.
Câu 1 thường chiếm khoảng 0,5 điểm)=, mức độ kiến thức là nhận biết, yêu cầu nhận biết phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ hoặc biện pháp tu từ.
Câu 2 thường chiếm 0,5 điểm và câu 3 thường chiếm 1,0 điểm, mức độ kiến thức là thông hiểu, yêu cầu học sinh hiểu một nội dung hoặc một quan niệm nào đó.
Câu 4 thường chiếm 1,0 điểm, mức độ kiến thức là vận dụng, yêu cầu các em trình bày quan điểm của mình về một vấn đề nào đó.
Ngoài ra, các em cũng lưu ý ở các câu 2, câu 3, câu 4, nếu câu hỏi có dạng: “Theo tác giả”, “Theo văn bản”, “Trong văn bản”…thì câu trả lời sẽ có ở trong văn bản.
Nếu câu hỏi có dạng “Theo anh/chị”, “Anh/chị hiểu như thế nào”, “Anh/chị có đồng tình (hoặc “cho rằng”, “tán thành”…) thì các em phải tự suy nghĩ và trình bày cách hiểu hoặc quan niệm của mình.
Ở phần Nghị luận xã hội, đề thi thường yêu cầu trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ văn bản đọc hiểu.
Vấn đề này thường nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, mang tính chất tổng hợp vừa là hiện tượng đời sống vừa là tư tưởng đạo lí.
Khi xử lí phần câu hỏi này, học sinh phải đảm bảo đúng cấu trúc của đoạn văn có dung lượng khoảng 200 chữ đồng thời bày tỏ được quan điểm, cách đánh giá của bản thân về vấn đề cần bàn luận một cách sâu sắc nhất.
Ở phần Nghị luận văn học, học sinh cần chú ý các dạng bài: Phân tích, cảm nhận văn học (một đoạn thơ/ một đoạn văn/ một nhân vật/ một hình tượng…).
Khi làm câu Nghị luận văn học, các em cần đảm bảo đúng cấu trúc của một bài văn, gồm có: Mở bài (là một đoạn văn khoảng 6-10 dòng), Thân bài (gồm nhiều đoạn văn nhỏ, mỗi ý viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh) và Kết bài (là 1 đoạn văn khoảng 6-10 dòng).
Đây cũng là phần có khả năng phân hóa thí sinh cao nhất, nên cần viết sâu sắc, tinh tế, càng toàn diện càng tốt.
Tránh 5 lỗi sai thường gặp khi làm bài
Theo thầy Phạm Hữu Cường, khi làm bài thi môn Ngữ văn, đa phần học sinh thường bị mất “điểm oan” vì những lỗi sau đây:
Thứ nhất, lỗi xác định sai từ khóa trong câu hỏi phần Đọc hiểu, dẫn đến trả lời sai (bị trừ 0,5 - 1,0 điểm).
Thứ hai, lỗi không đảm bảo đúng hình thức và cấu trúc của đoạn văn nghị luận xã hội (bị trừ ít nhất 0,5 điểm).
Thứ ba, lỗi không đảm bảo đúng hình thức và cấu trúc của bài nghị luận văn học (bị trừ ít nhất 0,5 điểm).
Thứ tư, mắc các lỗi chính tả, dập xóa, diễn đạt, trình bày (bị trừ ít nhất 0,5 điểm).
Thứ năm, lỗi xác định sai yêu cầu của câu hỏi trong đề dẫn đến viết lạc đề, có thể bị 0 điểm.
Bên cạnh việc đưa ra những kiến thức, kĩ năng giúp học sinh ôn luyện trước khi thi Tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới, thầy Phạm Hữu cường cũng dành một số lời khuyên đến các sĩ tử:
“Các em cần lên kế hoạch sinh hoạt điều độ, đi ngủ trước 12 giờ đêm, buổi sáng nên dậy từ 4 giờ 30 phút để học, buổi trưa tranh thủ ngủ từ 15 đến 30 phút, ăn uống sinh hoạt điều độ để giữ gìn sức khỏe và chuẩn bị tâm lí thật tốt cho kì thi”.
Theo Thùy Linh (Giaoduc.net.vn)
>>Môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp, học sinh cần lưu ý gì ở giai đoạn ôn nước rút?>>5 lỗi sai thí sinh thường gặp khi làm bài môn Ngữ văn
>>Chiến thuật ôn tập hiệu quả môn Toán cho kì thi tốt nghiệp 2020
>>Công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2020
>>Cách tính điểm xét tốt nghiệp, những vật dụng thí sinh mang vào phòng thi tốt nghiệp 2020
>>Gợi ý giải đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020
>>Bộ GDĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Post a Comment