Môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp, học sinh cần lưu ý gì ở giai đoạn ôn nước rút?
Việc hệ thống lại các chủ đề từ vựng, ngữ pháp trong sách Tiếng Anh 10, 11, 12 sẽ rất hữu ích cho các em khi làm dạng bài này cũng như dạng bài tìm từ đồng nghĩa.
Các học sinh lớp 12 đang chạy đua cùng thời gian khi kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông chỉ còn ít tháng nữa sẽ diễn ra.
Thời điểm này, cả nước đều đang trong trạng thái thời tiết nắng nóng kéo dài. Các em học sinh lớp 12 sẽ vất vả hơn rất nhiều.
Vì đây là giai đoạn nước rút, các em cần tập trung toàn bộ năng lượng của mình để về đích thành công nhất.
Dựa trên đề thi minh họa môn Tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô Trần Thị Thúy Nga, giáo viên Tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông - Hà Nội) đã chia sẻ một số vấn đề để học sinh lớp 12 ôn thi, làm bài hiệu quả.
Cô Nga cho rằng, ngoài kiến thức thì hiểu về các dạng bài cũng như cách thức làm các dạng bài sẽ giúp học sinh tự tin hơn khi cầm tờ đề thật trên tay.
Trong đề thi, tổng cộng sẽ có 10 dạng bài học sinh cần nắm bao gồm phát âm, trọng âm, điền vào chỗ trống, nghĩa của từ ( đồng nghĩa, trái nghĩa), dạng chọn câu giao tiếp, đọc hiểu điền từ, đọc hiểu trả lời câu hỏi, tìm lỗi sai, chọn câu có nghĩa tương đương và cuối cùng là ghép câu.
Mỗi dạng bài sẽ kiểm tra một kĩ năng khác nhau và đều đòi hỏi chúng ta phải nắm vững kiến thức, từ cơ bản đến nâng cao.
Với dạng bài phát âm, các em hãy dành thật kĩ thời gian để ôn tập lại các quy tắc cơ bản như quy tắc phát âm đuôi “s”, đuôi “ed”.
Đây là phần kiến thức gần như năm nào cũng có trong bài thi và là một trong những trọng tâm của thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Ngoài ra, các em hãy dùng sách Tiếng Anh 10, 11,12 để ôn lại từ vựng, cuối sách sẽ có phần đọc để học sinh nhận biết cách phát âm cũng như trọng âm của từ.
Riêng về dạng bài trọng âm, các em cần xem lại các quy tắc của việc đánh trọng âm từ qua các Unit của Tiếng Anh 10,11, 12.
Tiếp đến là dạng bài chọn đáp án đúng. Phần này chủ yếu sẽ kiểm tra vốn kiến thức tổng hợp của học sinh về mảng từ vựng ngữ pháp và cấu trúc.
Các sĩ tử hãy xem nội dung kiến thức trong đề minh họa, vừa làm vừa ôn lại các mảng kiến thức liên quan để hiểu rõ đáp án.
Việc hệ thống lại các chủ đề từ vựng và ngữ pháp trong sách Tiếng Anh 10, 11, 12 cũng sẽ rất hữu ích cho các em khi làm dạng bài này cũng như dạng bài tìm từ đồng nghĩa trái nghĩa.
Các đề mục ngữ pháp quan trọng bao gồm thì của động từ, câu bị động, câu trực tiếp gián tiếp, liên từ….Nội dung nào cũng có thể được kiểm tra trong đề nên các em không nên chủ quan mà bỏ qua bất cứ mảng nào.
Phương pháp Mindmap thường sẽ phát huy tác dụng trong việc tổng hợp lại từ vựng và ngữ pháp, chúng ta hãy tự tạo cho mình những tấm bản đồ tư duy để việc nhớ và tổng hợp kiến thức dễ dàng hơn.
Một trong những dạng bài học sinh gặp khó khăn nhiều nhất có lẽ là đọc hiểu chọn đáp án đúng.
Với dạng bài này, các em cần đọc thật kĩ câu hỏi, gạch chân từ mang ý chính, sau đó sử dụng kĩ thuật đọc lướt để xác định vị trí chứa thông tin sau đó đọc kĩ để tìm đáp án đúng.
Các câu hỏi thường xoay quanh nội dung chính của bài là gì, nghĩa của từ, tìm thông tin chi tiết.
Nếu đọc 1 lần chưa thực sự hiểu, các em có thể đọc đi đọc lại 2, 3 lần, điều này sẽ giúp học sinh hiểu bài đọc hơn và lựa chọn đáp án chính xác hơn.
Ngoài việc nắm rõ các dạng bài cũng như nội dung ôn tập, học sinh cần lưu ý chúng ta phải đặt cho mình mục tiêu ôn tập phù hợp.
Qua đề thi, các em có thể thấy, kiến thức cơ bản dạng nhận biết chiếm khoảng 40%, kiến thức thông hiểu vận dụng chiếm 50% và kiến thức nâng cao chiếm 10%.
Vì vậy cô Nga khuyên học sinh lớp 12 hãy làm thử đề thi minh họa, sau đó xác định điểm hiện tại của bản thân và đặt mục tiêu phù hợp với năng lực.
Nếu dừng lại ở mức điểm trung bình, các em cần nắm được từ vựng ngữ pháp cơ bản của 3 năm cấp 3, lúc này việc làm đề kết hợp với ôn tập các đề mục ngữ pháp từ vựng trong sách Tiếng Anh 10, 11, 12 là điều cần ưu tiên.
Nếu các em mong muốn mức điểm khá 7, 8, ngoài việc xem lại các chuyên đề ngữ pháp học sinh cần có vốn từ vựng để đọc hiểu.
Vì vậy, hãy kết hợp học cả việc ôn lại chủ điểm ngữ pháp từ vựng với việc luyện thật nhiều đề và tăng cường làm các bài đọc hiểu.
Với những bạn mong điểm số 9, 10, chắc hẳn các em đã nắm rất vững kiến thức ngữ pháp và vốn từ vựng phong phú, như vậy điều các em cần hướng tới là sự tỉ mỉ cẩn thận.
Học sinh có thể sử dụng các đề thi thử của nhiều năm, làm trong khoảng thời gian xác định và kiểm tra kết quả. Sau khi kiểm tra, các em cần ghi rõ những câu sai và lý do mình mắc sai lầm.
Như vậy, lần sau khi gặp lại dạng bài tương tự, các bạn sẽ rút kinh nghiệm để đạt điểm số cao hơn.
Một điều cuối cùng cô Nga muốn nhấn mạnh, các em đừng để trống bất cứ câu hỏi nào dù không chắc chắn vào đáp án. Các em hãy cứ chọn một đáp án, đừng để trống ô khoanh vì biết đâu đáp án các em chọn có thể là đáp án đúng.
Theo Nhật Minh (Giaoduc.net.vn)
>>Môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp, học sinh cần lưu ý gì ở giai đoạn ôn nước rút?
>>5 lỗi sai thí sinh thường gặp khi làm bài môn Ngữ văn
>>Chiến thuật ôn tập hiệu quả môn Toán cho kì thi tốt nghiệp 2020
>>Công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2020
>>Cách tính điểm xét tốt nghiệp, những vật dụng thí sinh mang vào phòng thi tốt nghiệp 2020
>>Gợi ý giải đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020
>>Bộ GDĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Post a Comment